11 điều làm giảm tuổi thọ của chó

9111
Khuyến mãi thức ăn, phụ kiện và đồ chơi thú cưng

Thực hiện những điều sau đây để giúp chó sống lâu hơn

Là người nuôi chó và mèo, ai ai trong chúng ta đều mong muốn động vật có được cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc. Chúng ta cho chúng ăn thức ăn chất lượng hàng đầu, yêu thương nồng thắm và chơi cùng chúng quanh sân khi có thời gian. Nhưng còn có rất nhiều điều cần thiết để có được một con chó khỏe mạnh. Và đôi khi, lối sống bận rộn khiến chúng ta bỏ qua một số biện pháp đơn giản có thể giúp kéo dài tuổi thọ của chó.

May thay, bạn có thể thực hiện những điều dưới đây vào bất cứ lúc nào và không bao giờ là quá muộn để tăng mức độ quan tâm chăm sóc đối với thú cưng. Pets360 đã trao đổi với một số bác sĩ thú y có kinh nghiệm trên khắp đất nước để biết được những việc làm chúng ta đang vô tình thực hiện khiến cuộc sống của chó bị rút ngắn.

Để chó tăng cân quá nhiều

Vào năm ngoái, uớc tính có đến 53% số chó bị thừa cân. Thêm vào đó, hiệp hội phát hiện ra rằng 95% chủ nhân của những con chó béo phì này vẫn nghĩ chúng có trọng lượng bình thường. Chó quá béo không chỉ làm giảm tuổi thọ mà còn giảm chất lượng cuộc sống của chúng. Mọi người không hiểu được là chó không xử lý hoặc phân hủy thức ăn như chúng ta.

Ví dụ, khi một con chó ăn 1 ounce phô mai cheddar thì lượng calo hấp thụ tương đương với một con người ăn 1.5 bánh hamburger hoặc 3 thanh sôcôla. Và không chỉ là thức ăn cho người mới gây rắc rối, đơn giản là một số con chó được cho ăn quá nhiều thức ăn cho chó hoặc các đồ ăn vặt, chẳng hạn như một thanh kẹo. Bạn có cho con bạn 8 thanh kẹo mỗi ngày không? Chắc chắn câu trả lời là không.

Giải pháp: Hạn chế cho chó ăn thức ăn của người và đảm bảo bạn đang theo dõi chính xác lượng thức ăn chó tiêu thụ. Chủ nuôi cần phải tăng cường thói quen tập thể dục của những con vật béo phì. Nếu trời lạnh hoặc người chủ không thể tập thể dục nhiều thì hãy đeo dây xích cho chó và cùng chúng đi dạo vài vòng quanh sân sau hoặc nhà của bạn. Hoặc cột dây xích vào chúng và đưa chúng đi tham quan quanh nhà bạn. Hãy làm bất cứ điều gì miễn là chó di chuyển.

Nếu cân nặng vẫn chưa giảm thì hãy tham khảo ý kiến bác sĩ thú y, vì họ có thể đưa thú cưng của bạn vào một chương trình ăn kiêng. Bác sĩ thú y cũng giúp xác định các vấn đề rối loạn cơ bản gây tăng cân, như suy tuyến thượng thận thứ phát hoặc suy tuyến giáp trạng.

Ít chú ý chăm sóc răng miệng của chó

Bệnh nha chu (bệnh nướu răng) là một vấn đề phổ biến ở chó. 85% chó trên 5 tuổi bị bệnh này do thức ăn và vi khuẩn bám dọc theo đường nướu và hình thành mảng bám trong miệng chó. Vi khuẩn tích tụ trong miệng có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe cho thú cưng của bạn, như các bệnh liên quan đến van tim và nhiễm trùng trong thận.

Giải pháp: Dùng bàn chải đánh răng để chải răng cho chó càng thường xuyên càng tốt.

Đánh răng cho chó không phải là chuyện khó khăn gì cả (Hoàn hảo nhất là sử dụng bàn chải lồng vào ngón tay). Hãy mua cho chó đồ chơi mài răng và cho chúng gặm xương để hỗ trợ loại bỏ mảng bám, cũng như các loại nước súc miệng giúp duy trì sức khỏe răng miệng của chó. Bạn cũng nên lên lịch thăm khám bác sĩ thú y để làm sạch chuyên nghiệp ít nhất một lần mỗi năm.

Bỏ qua kiểm tra sức khỏe hàng năm

Có thể sẽ rất khó khăn để đưa chó đến bác sĩ thú y hằng năm nhưng nếu làm như vậy thì có thể giúp chó sống thọ hơn. Đơn giản chỉ cần để bác sĩ khám cho chó một đến hai lần mỗi năm cũng có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của chúng. Ngay cả khi chó của bạn đang hành động bình thường nhưng có thể có cái gì đó bất thường đang tìêm ẩn bên trong cơ thể chúng. Trong một số trường hợp, khi xuất hiện triệu chứng thì đã không thể cứu được chó. Nhưng nếu bắt đầu điều trị sớm thì đã có thể cải thiện chất lượng và thời gian sống của chúng.

Giải pháp: Mang chó của bạn đến bác sĩ thú y hàng năm hoặc hai năm một lần (đặc biệt là chó trên 7 tuổi). Nếu đã từng có dấu hiệu mắc bệnh thì chủ nuôi nên cho chúng xét nghiệm máu hàng năm để kiểm soát bệnh. Ngoài ra, cũng nên nhớ ngày tiêm vắc-xin nhắc lại để bảo vệ chó khỏi các bệnh như bệnh dại, bệnh Carré, bệnh Parvo, bệnh do vi rút A-đê-nô, bệnh Phó cúm và bệnh ho cũi chó.

Không cho chó tập thể dục hằng ngày

Chỉ vì thú cưng của bạn đã chơi ở công viên dành cho chó vào thứ hai không có nghĩa là bạn có thể quên cho chúng tập thể dục cho đến thứ năm. Tập thể dục không chỉ giúp giảm cân mà còn kích thích tinh thần cho chó nhà bạn. Giữ thói quen tập thể dục là một cách lành mạnh để tiêu hao năng lượng.

Giải pháp: Tìm một hoạt động mà bạn và chó đều thích thú và xem như thói quen hàng ngày của bạn. Tập thể dục với chó còn giúp bạn giảm cân nữa đấy. Một công đôi việc! Và nếu bạn không có thời gian để lái xe đến công viên dành cho chó hằng ngày vì điều đó làm đảo lộn thói quen của bạn thì hãy đưa chó đi dạo quanh khu nhà, quăng quả bóng ở sân sau hoặc chơi trò trốn tìm trong nhà bạn.

Để chó tiếp xúc với khói thuốc phụ

Cũng giống như con người, phổi của chó không thể xử lý khói thuốc hít vào mỗi ngày. Khói thuốc phụ có thể cực kỳ gây hại cho vật nuôi, gây ra tất cả các loại bệnh, chẳng hạn như tăng nguy cơ ung thư và các vấn đề hô hấp gây hại.

Giải pháp: Cách lý tưởng để giải quyết tình trạng này là tránh hút thuốc. Nhưng nếu đây là thói quen không thể thiếu trong cuộc sống của bạn thì hãy tránh xa chó của bạn khi làm điều đó. Bạn có thể nhốt chó trong nhà và hút thuốc ở ngoài sân.

Không phòng ngừa giun chỉ, bọ chét và ve bét

Phòng ngừa những loại ký sinh trùng này cũng quan trọng như ghi nhớ thời gian chủng ngừa cho chó. Kiểm soát bọ chét, giun chỉ và ve bét rất quan trọng. Những sinh vật nhỏ bé này sẽ lây truyền bệnh tật và có thể đe dọa đến tính mạng cho. May mắn thay, có rất nhiều lựa chọn phòng ngừa có sẵn từ bác sĩ thú y của bạn: như vòng cổ chống ve bét, thuốc bôi tại chỗ, thuốc uống.

Giải pháp: Chủ nuôi chỉ cần mua các sản phẩm được thú y phê duyệt và tuân theo các hướng dẫn liều lượng khuyên dùng. Bạn có thể đặt lời nhắc trên lịch khi đến hạn cung cấp điều trị dự phòng tiếp theo.

Không hiểu được nhu cầu tập thể dục của chó

Các giống chó nhỏ cũng như các giống chó đầu ngắn (mũi ngắn) có các yêu cầu tập thể dục rất khác so với các loại chó khác. Ví dụ, Bulldogs Anh, Bulldogs Pháp, giống chó Bắc Kinh và chó Võ sĩ không nên tập luyện khi thời tiết quá nóng vì có thể nguy hiểm đến tính mạng của chúng.

Giải pháp: Hãy trao đổi với bác sĩ thú y để biết tốt nhất nên cho chó tập thể dục trong bao lâu và nên tập bài tập gì. Và nếu bạn cảm thấy chó đang cố gắng nói với bạn bài tập quá nặng thì hãy lắng nghe chúng. Nếu xuất hiện các triệu chứng như thở hổn hển quá nhiều, ngã kiệt quệ giữa lúc tập luyện hoặc có khuynh hướng bơ phờ (yếu và mệt mỏi) có nghĩa là bạn nên dừng lại và để cho chó nghỉ ngơi ngay lập tức.

Cho chó ăn đồ ăn thừa của người

Ngoài việc bổ sung thêm calo (không cần thiết!) vào chế độ ăn của chó, chó cũng có thể tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tụy nếu được chủ nuôi cho ăn thức ăn thừa. Nhiều loại thực phẩm mà con người tiêu thụ có rất nhiều chất béo và đường so với những gì vật nuôi của chúng ta nên ăn. Ngoài ra, một số loại thực phẩm nhất định của con người như tỏi và sô cô la có thể gây ngộ độc cho vật nếu ăn phải.

Giải pháp: Nếu bạn gặp khó khăn khi nói không với những đôi mắt cầu xin đó, hãy cho chó của bạn một món ăn lành mạnh như cà rốt hoặc táo. Nếu con chó của bạn xin xỏ ở bàn ăn, hãy cho chúng ăn trong một căn phòng khác trong lúc gia đình ăn bữa tối. Người nuôi cũng nên dành một chút thời gian để tìm hiểu những loại thức ăn nào nguy hiểm cho chó.

Không giám sát chó khi ở bên ngoài nhà

Để con chó của bạn đi lang thang thoải mái mà không giám sát thì có thể tai họa sẽ ập đến. Ô tô, chó sói đồng cỏ, những động văn săn mồi khác, những người vô đạo đức đều đang rình rập chó nhà bạn. Đừng để chó đi lang thang trên đường phố mà không có sự giám sát của bạn, ngay cả khi chúng được gắn thẻ và gắn vi mạch.

Giải pháp: Hãy đeo dây xích cho chó ở tất cả các lần đi bộ ở bên ngoài. Nếu bạn đưa chó đến công viên, hãy là một phụ huynh nuôi thú cưng có trách nhiệm và đảm bảo theo dõi các buổi chơi. Và nếu bạn nhận thấy một con sói hoặc một động vật ăn thịt đang lăm le thì hãy đưa chó của bạn đi khỏi đó ngay lập tức.

Không xã hội hóa chó

Những con chó không thể giao tiếp xã hội sẽ không tìm được niềm hạnh phúc như những bạn bè giỏi giao tiếp cùng chăng lứa. Chúng thường phải đối mặt với các vấn đề lo âu và sợ hãi, thậm chí các bệnh da liễu và không thích đi bộ. Một con chó không tương tác với con người sẽ không thể tìm thấy niềm vui, không được chơi đùa và có thể bị trầm cảm.

Giải pháp: Đưa chó con của bạn (đã được tiêm vắc-xin và tiêm chủng đầy đủ) đến các các lớp học huấn luyện và gặp gỡ bạn bè của chúng ngay từ những năm đầu đời. Ở đó, chúng sẽ có cơ hội làm quen với những con chó khác. Hãy để chó của bạn dừng lại và chào đón những chú chó khác khi đi dạo hoặc để chó nhà bạn chơi đùa cùng bạn bè trong sân.

Không thiến hoặc triệt sản chó

Không thiến hoặc không triệt sản chó có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của chúng. Khoan hãy đề cập đến vấn đề hành vi ở những con chó còn nguyên vẹn, thiến hoặc triệt sản chó vẫn là cách tốt nhất để giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.

Ngoài ra, mỗi chu kỳ sinh sản, thay đổi hóc-môn đều làm tăng nguy cơ ung thư vú ở chó cái. Chó đực nguyên vẹn cũng có nhiều khả năng phát triển các bệnh tuyến tiền liệt và ung thư tinh hoàn hơn so với con khác đã bị thiến.

Giải pháp: Bạn có thể cho chó đến phòng thú y tại địa phương để thực hiện các thủ thuật thiến hoặc triệt sản. Nếu chi phí quá cao, bạn có thể tìm đến những phòng khám khác với chi phí thấp hơn; hãy gọi cho các phòng khám thú cưng của địa phương để tìm hiểu khi nào có thể thực hiện thủ thuật. Và khi thực hiện thiến hoặc triệt sản, sẽ có những hướng dẫn khác nhau cho các giống khác nhau. Đã có nhiều điều chỉnh liên quan đến chó giống lớn [và] khi nào là thời điểm tốt nhất để thực hiện. Vì lý do này, bạn nên thảo luận và lên kế hoạch với bác sĩ thú y.