Bệnh giun móc ở mèo

5561
Khuyến mãi thức ăn, phụ kiện và đồ chơi thú cưng

Bệnh giun móc ở loài Mèo

Giun móc là ký sinh trùng có thể xâm nhập, trú ngụ và sống trong ruột non của động vật. Vài loài giun móc đặc biệt lây nhiễm cho mèo là Ancylostoma ceylanicum, và giun Aneylostoma tubaeforme. Ở ấu trùng giai đoạn thứ tư, các ký sinh trùng hút máu này có thể gây chứng thiếu máu và viêm ruột non. Giun hoạt động để lại vết cắn, và những vết này có thể tiếp tục rỉ máu tại vị trí bị tổn thương. Phá hoại nội tại còn có thể dẫn đến xuất huyết đường ruột. Bệnh giun móc có thể gây tử vong, đặc biệt là ở mèo con. Như vậy, người chủ cần phải cảnh giác với các dấu hiệu của giun móc ở chú mèo của họ.

Thời gian từ giai đoạn ký sinh trùng này xâm nhập ban đầu đến khi nó lây nhiễm sang những con mèo khác là từ hai đến bốn tuần.

Triệu chứng

Các triệu chứng ban đầu bao gồm tổn thương ở lòng bàn chân và giữa các ngón chân, nơi giun móc xâm nhập vào da. Nếu ấu trùng giun móc đi vào phổi qua đường tiêu hóa, mèo có thể bị ho. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện bao gồm phân đen và dính, tiêu chảy và táo bón. Một con mèo bị nhiễm giun móc sẽ trông không khỏe và ăn không ngon miệng; niêm mạc mũi, môi và tai tái nhợt. Các biến chứng có thể đến đột ngột và có thể dẫn đến tử vong nếu mèo của bạn không được điều trị ngay lập tức.

Ngược lại, một con mèo lớn tuổi có thể mang một lượng nhỏ giun sán và không thể hiện triệu chứng gì, trong khi một con thú còn nhỏ sẽ bị ốm.

Nguyên nhân

Mèo nhiễm giun móc do nuốt phải, hoặc do ấu trùng xâm nhập qua da, và giun móc thường được tìm thấy trong nước hoặc môi trường bị ô nhiễm. Giun móc được thải ra ngoài cùng phân, và lẫn vào đất, sau đó khi động vật đi trên đất, cát hoặc rác bị lây nhiễm, giun móc thường đi vào cơ thể qua bàn chân. Mèo con thường mắc phải bệnh này từ sữa mẹ.

Chẩn đoán

Giun móc không nhìn thấy được bằng mắt thường và do đó phải được bác sĩ thú y tìm thấy qua kính hiển vi trong xét nghiệm mẫu phân. Sự tồn tại của trứng sẽ xác nhận chẩn đoán. Xét nghiệm này cũng sẽ giúp bác sĩ thú y định ra liệu trình chữa trị, liệu trình này còn dựa trên tuổi, cân nặng và tình trạng chú mèo của bạn. Nếu vài chú mèo sinh trong cùng một lứa bị chết, thì nên nghi ngờ đó là do giun móc.

Chữa trị

Để loại bỏ giun, mèo sẽ được cho uống một loại thuốc trừ giun để giết giun và tống chúng ra ngoài. Đôi khi đó là tất cả những gì cần làm. Tuy nhiên, bổ sung dinh dưỡng và sắt cũng có thể cần thiết. Mèo con nên được uống thuốc giun khi ba đến bốn tuần tuổi và điều trị hằng tháng sau đó.

Với mèo mang thai, điều trị nên bắt đầu hai tuần sau khi sinh và tiếp tục trong hai đến bốn tuần sau khi mèo con được sinh ra để loại bỏ giun trong ruột, và để bảo vệ mèo con.

Trong trường hợp nghiêm trọng, mèo (hoặc mèo con) cần được nhập viện để điều trị bằng liệu pháp truyền dịch, truyền máu và truyền oxy bổ sung, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh thiếu máu và tình trạng của mèo. Nên biết rằng, mèo có khả năng tử vong đột ngột ngay cả khi được điều trị.

Phòng ngừa

Môi trường nơi mèo của bạn ngủ và thư giãn cần phải sạch sẽ. Đặc biệt chú ý đến nước đọng trong thùng chứa, khu vực trũng, hoặc thậm chí trong ao. Nếu bạn thấy bất kỳ triệu chứng nào trên đây ở thú cưng, hãy đem một mẫu phân đến bác sĩ thú y để nhanh chóng xác nhận hoặc loại trừ lây nhiễm.

Không thể tiêm chủng phòng ngừa sự xâm nhập của ký sinh trùng, vì vậy cách duy nhất để bảo vệ mèo của mình là quan sát và hành động nhanh chóng. Mặc dù trường hợp giun móc hiếm gặp ở người, ký sinh trùng có thể xâm nhập vào da người, vì vậy phải cẩn trọng khi điều trị động vật bị nhiễm ký sinh.